Nên
học ở đâu và quan trọng hơn, sẽ có việc làm ở đâu, vẫn là câu hỏi khó ở
những ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp diễn ra ở Hà Nội và một
số địa phương…, có Bộ GD&ĐT vào cuộc. Thực trạng cử nhân thất nghiệp
hoặc phải đi làm công nhân sẽ khó cải thiện được nếu hướng nghiệp vẫn
ăn xổi, tô hồng và đến hẹn thì bổn cũ soạn lại.
Câu hỏi nóng vẫn nóng
Trên 100 gian tư vấn của hơn 80
trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh
vực giáo dục góp mặt trong "Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp
2014” tại ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ nhật vừa qua thu hút hàng ngàn người
quan tâm tới dự, chủ yếu là HS lớp 12.
Có 4 khu vực tư vấn chuyên sâu để
giải đáp và tư vấn các thắc mắc về từng nhóm ngành, từng trường… Khu vực
nào cũng không thiếu chuyên gia tư vấn kinh nghiệm đầy mình. Tư vấn
chung, tư vấn chuyên sâu và tư vấn riêng trực tiếp, cùng hàng chục ngàn
các loại tờ rơi tài liệu liên quan đến kỳ thi tuyển sinh 2014 được phát
cung cấp nguồn thông tin khổng lồ.
Nhưng tư duy nhiều thầy trò vẫn quẩn
quanh với câu hỏi ngành "hot” và "không hot”. Vẫn là câu hỏi khó cho
người trả lời về khối ngành nào nhu cầu nhân lực "bão hòa” và ngược lại.
Các chuyên gia chỉ có thể tiên lượng, dù những câu hỏi nóng này lặp lại
nhiều năm, bởi quy hoạch nhân lực vẫn chung chung. Thay vì ngành
GD&ĐT và các trường phải nhìn xa hơn, họ lại khuyên các bạn thí sinh
cần phải nhìn xa hơn…
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục
trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Bộ GD&ĐT cho
rằng: Hiện nay nhóm ngành kinh tế không nóng như 4 - 5 năm trước, nhưng
sau giai đoạn hiện nay thì kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại và nhu cầu
nhân lực ngành kinh tế - ngân hàng sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều. Vậy
sau giai đoạn hiện nay là bao giờ? Cao hơn rất nhiều là thế nào?
Đáng lẽ cần làm công tác hướng nghiệp
ngay từ bậc học THCS để HS hiểu năng lực và sở thích của mình nhưng
thường thì đến năm lớp 12, phụ huynh lại tự chọn ngành học, trường học
cho con em chứ không để các em tự quyết. Nên điểm bộc lộ khiếm khuyết rõ
nhất của hướng nghiệp phổ thông lâu nay là nhiều em lớp 12 vẫn không
biết "sở trường” của mình, đã đặt những câu hỏi khá ngô nghê, khoán
trắng tương lai học hành cho "tư vấn”.
Khi HS ít được hướng nghiệp mà bỗng chốc tới chợ có quá nhiều kênh thông tin có thể dễ loạn, nhiễu và mất thời gian vô ích.
Rằng hay thì thật là hay…
Giáo dục VN năm đầu đổi mới căn bản
toàn diện, nói theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì SV vào
ĐH năm nay sẽ là lứa đầu tham gia thị trường lao động khu vực khi năm
2015 hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhưng ngày hội tư vấn hướng
nghiệp vẫn nguyên "chiêu trò cũ” của những chợ giáo dục các trường nhóm
họp hàng năm quảng bá thương hiệu chèo kéo người học. Nó cũng tương tự
một triển lãm giáo dục có thêm phần tư vấn khách hàng.
Đây cũng là thời thất nghiệp đông,
phân luồng bế tắc. Những người có hiểu biết đều không dễ đặt niềm tin
vào chất lượng đào tạo các trường, khi mà báo cáo với Bộ chủ quản là Bộ
GD&ĐT, nhiều trường còn báo cáo ma, dẫn tới đóng cửa 207 ngành, rồi
lại "hoàn chỉnh báo cáo” để mở lại 62 ngành.
Mất niềm tin chất lượng đào tạo chính
là lý do số HS, SV và nghiên cứu sinh Việt Nam đang du học ở nước ngoài
khoảng 60.000 người. Mỗi năm, chi phí của các gia đình cho con cái học ở
nước ngoài ước tính khoảng 2 tỷ USD, chưa kể ngân sách Nhà nước. Nhưng
cũng chỉ có "chảy máu du học sinh” chứ hầu như không thấy SV nước ngoài
tới VN du học tự túc.
Theo TS Nguyễn Hữu Lam (ĐH Kinh tế
Tp. HCM), trong thời đại ngày nay, không một vấn đề xã hội nào được xử
lý một cách cô lập và riêng rẽ. Đổi mới nền giáo dục là việc lớn, một
mình ngành giáo dục không làm được. Thêm nữa, muốn có chiến lược giáo
dục mới thì điều đầu tiên là phải có tầm nhìn về hệ thống giáo dục.
Nhưng đi chợ giáo dục mùa tưng bừng
hướng nghiệp này, vẫn chỉ thấy xu thế các trường cạnh tranh thông
thường, "săn” cho nhiều đầu vào, vẫn một hệ thống ĐH theo xu hướng cũ là
các ngành hẹp chuyên sâu. Cứ vậy thì dù ĐH có đổi mới cách tuyển sinh,
dù đầy ắp tiếng cười trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp, một vài năm nữa
cũng lại vẫn lại cho ra lò những "mẻ SV giống nhau” và ế ẩm...
Học gì để dễ xin việc?
Đây đang là nỗi lo đau đáu, không chỉ
của người học mà của hàng triệu gia đình. Tư vấn hướng nghiệp lại hầu
như chỉ hướng con em học gì, trong khi rất cần nhấn mạnh học như thế
nào, phải trang bị kỹ năng mềm ra sao để dễ xin việc?
"Tại các trường ĐH ở Hà Nội mà tôi có
dịp tham gia giảng dạy, tôi thấy rất nhiều SV uổng phí 4 năm học chỉ để
làm một việc là quên lãng dần những kiến thức phổ thông bởi các trường
ĐH không nghiêm túc kiểm soát chất lượng kiến thức của người học nhưng
vẫn cấp bằng, điểm số được chấm một cách dễ dãi, năng lực và tài năng
của SV không được đánh giá một cách đúng mực” - chia sẻ của một GS nước
ngoài có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại VN rất nên được nhìn nhận khi
tham gia hướng nghiệp.
Đổi mới ngày hội hướng nghiệp, chợ
giáo dục, nếu có phải bắt đầu từ đổi mới quản lý các nhà trường, nâng
cấp năng lực quản trị và quản lý tốt chương trình, chất lượng đào tạo.
Ngày hội hướng nghiệp nên có cả SV đang học, sắp tốt nghiệp, phải có cả
khu của các nhà tuyển dụng để tìm kiếm các SV sắp tốt nghiệp ra trường,
các chuyên gia giáo dục độc lập trong nước và quốc tế… Hoạt động tư vấn
hướng nghiệp có tiếng nói nhiều chiều mới thực sự có cơ sở tin cậy.
Cũng như sáng tạo, chọn nghề "không
đến từ chân không, nó đến từ sự bùng nổ của một quá trình tích lũy và
chìm đắm trong tư duy!”. Đó là bước ngoặt cuộc đời, không dễ ăn xổi
thông tin mà ngon.
Giới trẻ cần nhiều góc nhìn hướng
nghiệp, nghe những tiếng nói tư vấn phản biện nhìn thẳng vào sự thật
chất lượng đào tạo, những lỗ hổng trong quản trị đào tạo… Đối thoại mà
như độc thoại ở nhiều chợ giáo dục cho thấy sự đơn điệu của các nhà
trường, nhà quản lý và nhất là của HS, SV nước nhà.
-----------------------------------------------