Nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam Bộ không ngừng phát triển khi nhiều thế hệ nghệ nhân đã dày công vun đắp, khám phá để nâng cao những trình thức hòa tấu, sáng tác thêm nhiều bài bản cho người chơi tài tử. Một trong những sáng tạo độc đáo phải kể đến bài hát tân cổ giao duyên đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua.
Theo
soạn giả - NSND Viễn Châu, hơn nửa thế kỷ, công chúng chẳng cần biết ai
là cha đẻ của hình thức thể điệu này, chỉ biết nó tồn tại khi người
nghe cảm thấy hợp với tâm trạng của mình. Đó là điều ông hạnh phúc nhất
Tân cổ giao
duyên là hình thức nghệ thuật sáng tạo kết hợp độc đáo giữa cổ nhạc và
tân nhạc phát triển cực thịnh vào những năm 1960, 1970. Nhiều bài tân cổ
giao duyên đã làm say đắm lòng người nghe nhiều thế hệ.
Bảy Bá hay Lê Khanh?
Hầu hết các tài liệu nghiên cứu và cả những ghi nhận của giới chuyên
môn, những nhân chứng sống của âm nhạc và sân khấu cải lương miền Nam
đều công nhận soạn giả - NSND Viễn Châu chính là cha đẻ của bài “tân cổ
giao duyên”. Ông còn được biết đến trong vai trò nhạc sư, danh cầm đàn
tranh với ngón đờn tuyệt hảo và là 1 trong 5 danh cầm xuất chúng xuất
thân từ đờn ca tài tử Nam Bộ với một tên gọi khác là nhạc sĩ Bảy Bá.
GS-TS Trần Văn Khê khẳng định: “Anh Bảy Bá là một trong những đại thụ
của giới soạn giả sân khấu cải lương miền Nam, đã khai sinh ra thể loại
tân cổ giao duyên cách đây hơn 50 năm. Ngoài ra, anh còn là người viết
nhiều nhất bài tân cổ giao duyên. Trong hơn 2.000 bài vọng cổ thì có vô
số bài tân cổ giao duyên hay, được nhiều thế hệ nghệ sĩ trình diễn cho
tới bây giờ. Anh Bảy cũng đã được các soạn giả, nghệ sĩ, khán giả mộ
điệu suy tôn là ông vua viết bài vọng cổ”.
Bà bầu Kim
Chưởng, chủ một gánh hát đại bang của Sài Gòn xưa, cho biết soạn giả -
NSND Viễn Châu là người đã nâng bản vọng cổ lên một sắc thái mới khiến
nó trở nên hay hơn, đẹp hơn, từ nhạc điệu, ý thơ đến tính văn học, điển
tích và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn đong đầy trong hàng ngàn tác
phẩm của ông. “Anh là người đã mạnh dạn cách tân bằng việc ghép tân
nhạc vào bản vọng cổ, góp phần làm cho nó quyến rũ hơn, sinh động hơn,
nâng lên một tầm vóc mới” - bà bầu Kim Chưởng nhận xét.
Nghệ sĩ Phượng Liên cho biết khi xưa, vọng cổ được hát đến 20 câu,
sau này rút ngắn còn 6 câu và cuối cùng là 4 câu. Khi nhạc sĩ Bảy Bá đưa
ý kiến lồng những bài tân nhạc mang âm hưởng dân ca gần với ngũ cung
vào cổ nhạc để phát triển thêm, một vài nhạc sĩ tân nhạc tỏ ý không đồng
tình vì vốn dĩ người ta luôn có sự kỳ thị với cải lương. Tuy nhiên, có
một số nhạc sĩ chấp thuận, trong đó nhân chứng sống là nhạc sĩ Lam
Phương. Từ đó, nhạc sĩ Bảy Bá quyết định sáng tạo dòng nhạc tân cổ giao
duyên. Bài tân nhạc đầu tiên được kết hợp thành tân cổ giao duyên là
Dưới ánh trăng xuân do nhạc sĩ Bảy Bá viết, dựa trên nhạc của nhạc sĩ
Lam Phương. Rồi sau đó là một loạt sáng tác mới, như: Cô hàng chè tươi
(NSND Lệ Thủy ca)… “Nếu nói soạn giả - NSND Viễn Châu sáng tạo ra bài
tân cổ giao duyên thì bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà (nghệ sĩ Minh Cảnh,
NSND Lệ Thủy từng ca) là một minh chứng sống động nhất vì khi đó chính
ông sáng tác luôn phần tân nhạc vào năm 1948” - nghệ sĩ Phượng Liên.
Thế nhưng, lại có một số ý kiến cho rằng soạn giả Lê Khanh mới thực
sự là người khởi xướng việc ghép nhạc vào bài vọng cổ để hình thành bài
“tân cổ giao duyên”. Nhà báo kỳ cựu Tần Nguyên, thành viên ban đại diện
Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM, cho biết soạn giả Lê Khanh là người ký hợp
đồng tập cho nhạc sĩ Đức Phú - cậu của NSND Thanh Tòng - chuyên về nhạc
Hồ Quảng và ca sĩ Hùng Cường, lúc đó mới đoạt giải nhất cuộc tuyển chọn
ca sĩ trẻ của đài Pháp Á, thu bài tân cổ giao duyên cho hãng đĩa Hoành
Sơn năm 1960.
Theo soạn giả Lê Khanh, năm 1958, ông và soạn giả Thiếu Linh đã sáng
tác bài vọng cổ gối đầu cho bài tân nhạc Cô lái đò (thơ: Nguyễn Bính,
nhạc: Nguyễn Đình Phúc) do Hùng Cường và Út Bạch Lan ca; sau đó, ông
sáng tác phần nhạc bài tân cổ Hai buổi chiều vàng, dựa theo ý của Thiếu
Linh.
Cha đẻ là ai không quan trọng
Tranh luận về cha đẻ của loại hình tân cổ giao duyên cho đến nay vẫn
chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, theo soạn giả Kiên Giang, có thể ban đầu ý
tưởng lớn đã gặp nhau nhưng người có chiến lược phát triển thành một
trào lưu, đồng thời đương đầu, đứng ra biện luận, phản bác lại ý kiến
chống đối của một số soạn giả, nhạc sĩ thời đó khi những người này công
kích việc đẻ ra tân cổ giao duyên là giết chết bài vọng cổ không ai khác
là soạn giả - NSND Viễn Châu. “Nếu nói đến việc khởi xướng thì thời đó
anh em soạn giả ai cũng nóng lòng muốn bứt phá, làm mới bài vọng cổ.
Nhạc sĩ Minh Lương năm 1958 cũng đã từng sáng tác phần tân nhạc cho vở
cải lương Mộng đẹp đêm trăng, dựa theo phim Romeo và Juliet do dịch giả
Nguyễn Thanh Hiệp chuyển ngữ. soạn giả Mai Quân viết kịch bản, soạn giả
Thanh Cao chuyển thể cải lương. Việc soạn giả Lê Khanh có sáng kiến đưa
tân nhạc vào cổ nhạc có thể cùng với các thời điểm này nhưng người đúc
kết trường phái, tạo được nền tảng hệ thống lý luận để có thể bảo vệ thể
điệu tân cổ giao duyên chính là soạn giả NSND Viễn Châu” - soạn giả
Kiên Giang nhận định.
Khi chúng tôi tìm gặp soạn giả - NSND Viễn Châu và đặt lại vấn đề
này, ông bảo: “Tôi không giành công lao của ai, cũng không làm cái việc
tham khảo để rồi đạo văn, đạo cách làm. Việc gì đúng sai còn có nhiều
nhân chứng sống. Tôi chỉ nhớ lúc đó có nhiều bài báo, có cả những cuộc
diễn thuyết trên đài phát thanh lên án kịch liệt xu hướng sáng tác “tân
cổ giao duyên” của tôi. Nhưng tôi chỉ trả lời một lần và dẫn chứng cụ
thể sự kết hợp với phần nhạc gần với âm nhạc ngũ cung chứ không phải bạ
đâu cũng ghép nhạc vào lời vọng cổ. Hơn nửa thế kỷ rồi, công chúng chẳng
cần biết ai là cha đẻ của thể điệu này, chỉ biết nó tồn tại khi người
nghe cảm thấy hạp với tâm trạng của mình. Đó là điều tôi hạnh phúc
nhất”.
-----------------------------------------------