Theo HLV Lê Thụy Hải, việc chiêu mộ
cầu thủ ngoại thông qua “cò” thay vì những nhà môi giới có bảo lãnh của
FIFA là nguyên nhân chủ yếu trong những lần mua hớ của các đội bóng Việt
Nam.
Qua tư vấn của đội trưởng Nastja Ceh, Thanh Hóa hấp tấp ký hợp đồng với
Slobodan Dincic mà không kiểm tra y tế. Khi đội bóng xứ Thanh phát hiện
ra cầu thủ người Serbia đang bị chấn thương cơ đùi, thời hạn chuyển
nhượng đã hết nên không kịp tìm người bổ sung.
Năm 2011, Thanh Hóa cũng dính trái đắng trong vụ chiêu mộ Faye Omar.
Không lâu sau khi ký hợp đồng và sử dụng cầu thủ người Senegal, họ được
FIFA gửi công văn thông báo tiền đạo từng đá Champions League mùa
2005-2006 đang bị cấm thi đấu trên toàn thế giới vì dính tới dàn xếp tỷ
số khi khoác áo FC Thun của Thụy Sỹ.
Một trong những thương vụ hớ nổi tiếng nhất của V-League liên quan đến
Hải Phòng. Năm 2009, đội bóng đất cảng gây tiếng vang khi chiêu mộ
Denilson, cầu thủ từng giành chức vô địch World Cup năm 2002 cùng đội
tuyển Brazil. Trong trận ra mắt gặp Hoàng Anh Gia Lai, anh ghi một bàn
từ cú đá phạt đẳng cấp ngay phút thứ hai. Nhưng lãnh đạo Hải Phòng vẫn
nhanh chóng ra quyết định thanh lý hợp đồng với Denilson, khi phát hiện
cầu thủ người Brazil bị chấn thương đầu gối rất nặng và trong 50 phút có
mặt trên sân chỉ đi bộ rồi liên tục ra dấu hiệu xin thay người.
Để Denilson gật đầu thanh lý hợp đồng, đội bóng đất cảng phải cắn răng
thanh toán đầy đủ các khoản như phí lót tay, phí ra sân, phí đền bù hợp
đồng và cả chi phí cho các nhà môi giới cho bản hợp đồng có thời hạn ba
tháng dù chỉ sử dụng cầu thủ này đúng một trận.
Denilson là cầu thủ nổi tiếng nhất từng đến thi đấu ở Việt Nam, nhưng cũng là một trong những người ở lại ngắn nhất. Ảnh: VSI.
|
Thanh Hóa và Hải Phòng chỉ là hai điển hình trong rất nhiều đội
bóng khác ở Việt Nam từng thất bại khi chiêu mộ ngoại binh. Lý giải về
hiện tượng này, HLV Lê Thụy Hải cho hay: "Các đội bóng của chúng ta
thường thông qua 'cò', qua giới thiệu của cầu thủ chứ không phải những
nhà môi giới có giấy chứng nhận của FIFA nên hay bị lừa. Thêm vào đó,
các câu lạc bộ thường bỏ quên khâu kiểm tra y tế. Đây là bước làm vô
cùng quan trọng trong chuyển nhượng. Cũng phải trách Liên đoàn bóng đá
Việt Nam đã không hỗ trợ các câu lạc bộ đầy đủ. Họ là nơi có quan hệ mật
thiết với FIFA, nắm thông tin về giấy chuyển nhượng quốc tế, nếu chú
tâm thì Thanh Hóa đã không dính vụ chiêu mộ cầu thủ đang bị treo giò
trên toàn thế giới. Đặc biệt, chuyện dính trái đắng khi chuyển nhượng
cầu thủ còn vì lãnh đạo các đội bóng nhắm mắt làm liều, ký hợp đồng kiếm
chút tiền hoa hồng".
HLV Lê Thụy Hải cho biết, ngay cả khi các đội cử chuyên gia sang các
nước để săn người thì vẫn có thể bị lừa. "Các tay môi giới không giấy
phép rất ma cô. Khi mình sang tuyển người, họ thường phím cả đội dồn sức
hỗ trợ cho cầu thủ mà họ muốn giới thiệu. Được tiếp sức như thế đá hay
không khó. Khi về Việt Nam phải tự thân vận động mới lộ ra đá dở", chiến
lược gia đang dẫn dắt Bình Dương chia sẻ tiếp với VnExpress.
Năm 2009 đích thân ông Hải từng sang Brazil để chiêu mộ Devison, Gibson
và Valder cho Thể Công. Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau đội bóng áo lính
phải nói lời tạm biệt với ba "vũ công samba" này vì họ không thích ứng
được với V-League.
"Chỉ có một cách duy nhất hạn chế việc mua nhầm ngoại binh kém chất
lượng hay thương binh là cho vào tập, thi đấu cùng đội, bỏ qua những bản
lý lịch đẹp lung linh với những lời giới thiệu có cánh. Nhìn thi đấu là
biết chất lượng ra sao, có thích ứng được với lối chơi của đội hay
không", ông Hải "lơ" nói.
-----------------------------------------------------------------------------------